Skip links

Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định 215/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát ​triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ngày 05/03/2024 |Xem tiếp

Những điểm mới quy định về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với NHPT

Ban Tài chính Kế toán (bài đăng Tạp chí HTPT) Ngày 29/04/2021 |Xem tiếp

Một số hình ảnh hoạt động của VDB

Tin tức tổng hợp

Ngân hàng Nhà nước thông tin về kết quả chuyển đổi số

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cập nhật một số thông tin về kết quả chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Ngày 08/03/2024 |Xem tiếp

08/03/2024 16:26

Tôn vinh người phụ nữ trong Cuộc sống và Xã hội

Ngày 8/3 hàng năm, phụ nữ trên toàn thế giới lại được cả nhân loại tôn vinh. Hãy cùng ôn lại lịch sử của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 để hiểu thêm về ngày này.
 
Lịch sử ngày 8-3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỳ XIX. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi. Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ở nước ta, vào ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Được sự ủng hộ đông đảo của các lực lượng, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước. Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, do chênh lệch thế lực với địch quá lớn nên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài 2 năm. Hai Bà đã hy sinh anh dũng để bảo vệ dân tộc. Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp bước truyền thống của những trang sử vàng, phụ nữ Việt Nam đã có biết bao tấm gương sáng ngời với những phẩm chất cao quý về lòng trung thành với Tổ quốc, về tinh thần hy sinh dũng cảm, họ đã khẳng định rằng, phụ nữ Việt Nam mềm nhưng không yếu. Họ đã sát cánh với phái mạnh để đem lại những ngày huy hoàng của lịch sử dân tộc trong đó có những tấm gương đã hóa thành những tượng đài bất tử trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Đó là Mẹ Suốt, là các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Định và biết bao nữ anh hùng, liệt sỹ đã để lại tuổi thanh xuân trong mưa bom bão đạn, để tâm hồn thơm thảo hóa thành nắng gió hòa bình của ngày hôm nay. Tên tuổi của các chị mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc và luôn gắn liền với lịch sử của phong trào phụ nữ Việt Nam.
Có thể nói trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã lập nên bao kì tích, góp phần quan trọng trong sự nghiệp chấn hưng, trường tồn dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào về những người con gái kiệt xuất viết nên trang sử vàng cho non sông gấm vóc. Thực tế lịch sử đã chứng minh, trên mọi lĩnh vực hoạt động từ miền ngược đến miền xuôi, từ nam chí bắc, các tầng lớp phụ nữ, các lứa tuổi, các dân tộc luôn khẳng định vai trò của mình. Các mẹ, các chị là những chiến sĩ kiên cường chống giặc ngoại xâm, là người lãnh đạo cần cù, thông minh và sáng tạo, Là người chủ gia đình dịu hiền, đảm đang, trung hậu, là người sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.
Với tinh thần ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và tinh thần khởi nghĩa Hai Bà Trưng quật khởi, chị em phụ nữ NHPT không ngừng phấn đấu, phát huy tinh thần “Chủ động, sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác và xây dựng gia đình hạnh phúc” góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ và phát huy thật tốt tinh thần cũng như truyền thống của phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang, xứng danh với lời tôn vinh: Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. 
Thy Liễu
07/03/2024 17:41

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15…
 
Kế hoạch ban hành nhằm tổ chức thi hành Luật Đất đai bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật; nâng cao nhận thức về Luật Đất đai và trách nhiệm của các cấp, ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Đất đai.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định; ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 1 thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định để quy định chi tiết Luật Đất đai; cập nhật bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp nội dung được giao tại Điều 248 Luật Đất đai.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định để quy định chi tiết Luật Đất đai.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền trong tháng 5/2024.
Đối với dự thảo Nghị định quy định lấn biển theo nhiệm vụ được giao tại Điều 190 Luật Đất đai năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành Nghị định theo trình tự rút gọn để đảm bảo có hiệu lực từ ngày 1/4/2024.
Ngoài ra, cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án tuyên truyền, bao gồm: công tác tập huấn cho UBND và cán bộ làm công tác quản lý đất đai các cấp; truyền thông chính sách cho người dân, doanh nghiệp về quy định mới của Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn và báo chí ở trung ương và địa phương có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai; chỉ đạo xuất bản và phát hành ấn phẩm về pháp luật đất đai.
Đồng thời, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai để những chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai được phổ biến sâu rộng.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp đối với từng đối tượng. Trước mắt, trong quý 1 và quý 2/2024 mở đợt phổ biến, tuyên truyền Luật Đất đai rộng rãi trước khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ: Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án để Chính phủ trình Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất, thời gian trình trước ngày 10/3/2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị quyết thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, thời gian trình trước ngày 10/3/2024.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép đưa 2 Đề án thí điểm nêu trên vào Chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tháng 5/2024.
PTT
06/03/2024 9:10

Bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.
 
Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch COVID-19 còn tác động kéo dài. Trong nước nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; sức ép lạm phát còn lớn; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành các công cụ chính sách tiền tệ và quyết liệt thực hiện các các giải pháp về điều hành lãi suất, tín dụng nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
a) Khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng TCTD, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm; trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng.
b) Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ theo đúng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024.
c) Thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD.
d) Đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các TCTD, bảo đảm dòng vốn tín dụng, bao gồm cả vốn tín dụng ngoại tệ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh, bền vững nhưng thiếu vốn. Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các TCTD, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, ngoại tệ. Đồng thời thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các TCTD.
2. NHNN Việt Nam chỉ đạo, yêu cầu các TCTD:
a) Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng TCTD đối với các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các TCTD kinh doanh hiệu quả và các TCTD nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các TCTD trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
b) Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
c) Tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ tín dụng, ngoại hối của TCTD đến công chúng.
4. Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc xử lý theo thẩm quyền.
5. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.
T.H theo baochinhphu.vn
06/03/2024 14:50

Nhất quán mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

 
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải kiên định, nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5/3/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, rà soát kỹ các nhiệm vụ trong tháng 3 và quý I năm 2024 để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả; kiên định, nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân theo tinh thần Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao triển khai hiệu quả Chương trình làm việc năm 2024 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhất là những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, quy định mới, thí điểm, đặc thù.
Đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong quá trình giải quyết công việc. Đối với các hồ sơ, đề án, dự án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan về những nội dung chủ yếu của đề án, nhất là các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động làm việc trực tiếp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có ý kiến khác để trao đổi, thống nhất trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ nhằm tiết kiệm thời gian và xử lý thấu đáo các vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Thúc đẩy thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu lao động
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế – xã hội để kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả, chủ động, thích ứng với tình hình, xu thế mới và điều chỉnh chính sách của các nước; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung ngay những quy định chưa phù hợp với thực tiễn để vừa bảo đảm tính hiệu quả, tuân thủ trong giải quyết công việc, vừa khuyến khích cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo dõi, bám sát việc triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành, việc thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền giao để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc. Kịp thời chỉ đạo lực lượng chức năng rà soát, nắm tình hình, phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, bất thường trong thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, tham nhũng, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh. Thực hiện hiệu quả
các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu lao động. Chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động
Cùng với đó là thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm toàn diện, đa tầng, hiện đại, bao trùm, bền vững. Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động; chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề mới, nổi trội (như chip bán dẫn, hydrogen, tín chỉ các bon…), đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2024 và công tác cải cách thủ tục hành chính; tập trung cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên thông toàn trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chuyển biến thực chất trong việc cung cấp dịch vụ công, giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý theo thời gian thực để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương khai thác, phân tích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định.
Triển khai chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024
Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch về tăng cường ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu, phát triển các nền tảng số quốc gia, phát triển kinh tế số, quản trị số thuộc phạm vi, lĩnh vực của bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế số trong quý I năm 2024. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương theo Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực tham gia với Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng thí điểm các trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người dân, hỗ trợ thẩm phán.
Chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy định và thực hiện các công việc cụ thể được giao để triển khai chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ quy định.
Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước
Các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt, chỉ đạo người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện có kết quả Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp tục cung cấp thông tin chính thức, định hướng cho các cơ quan thông tin, truyền thông; tập trung xử lý những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông. Xây dựng kế hoạch và phân bổ ngân sách đặt hàng các cơ quan báo chí thực hiện truyền thông chính sách theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở vùng ven biển chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về việc xử lý các vụ việc vi phạm đánh bắt cá trái phép ở vùng biển nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).
Các bộ, cơ quan, địa phương chú trọng triển khai các cam kết, thỏa thuận hợp tác được ký kết trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả, tiến độ thực hiện và đề xuất giải pháp bảo đảm triển khai thực chất, hiệu quả.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế. Rà soát, xem xét ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.
Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; rà soát các điều kiện cho vay, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh
hoạt, khả thi, hợp lý hơn; cơ cấu lại các khoản vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh
nghiệp và người dân, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thực hiện ngay các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, hiệu quả và kiểm soát tốt nhất các hoạt động giao thông để bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc quy mô phân kỳ, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân. Phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, đầu tư hoàn thiện các tuyến đường gom, nút giao kết nối để phát huy tối đa hiệu quả các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác./.
Nguồn: baochinhphu.vn

​NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (VDB)

Thông tin thêm 
​NHPT đang tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về Điều lệ tổ chức và hoạt động của NHPT, theo đó:

– NHPT là ngân hàng chính sách, hoạt độn g theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
– NHPT có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, được tham gia hệ thống thanh toán với các ngân hàng và cung cấp dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật.
– Nhà nước là chủ sở hữu của NHPT. Chính phủ thống nhất quản lý thực hiện quyền, nhiệm vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với NHPT. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc ủy quyền cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính thực hiện một số quyền, nhiệm vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Điều lệ này. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại NHPT, quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của NHPT theo phân cấp quy định tại Điều lệ này.
– Người đại diện theo pháp luật của NHPT là Tổng Giám đốc.

– Vốn điều lệ của NHPT là 30.000 tỷ đồng (ba mươi nghìn tỷ đồng). Việc thay đổi mức vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn của NHPT trong từng thời kỳ – NHPT có thời hạn hoạt động Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của NHPT ban hành kèm theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.